Có thể nói Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn của tuổi thơ. Ông viết về tuổi thơ với một tâm thế gợi mở lại cho người đọc những miền kí ức đã lãng quên, để nhắc nhở họ rằng từng có một thời chúng ta cũng hồn nhiên và ngây thơ đến như thế. Giống như một khoảng không đẹp đẽ nhất, sẵn sàng đưa tay ôm ấp và bảo vệ lấy con người để tạo động lực cho họ bước tiếp con đường của mình. Dịu dàng, ấm áp và nhẹ nhàng là những cảm nhận chung thuộc về các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Không quá ồn ào, vội vã, những tình tiết bất ngờ vẫn làm người đọc phải bồi hồi, đan xen vào trong những câu chuyện buồn, vui của tuổi mới lớn trong sáng và mong manh như những hạt sương sa, những ký ức tuổi thơ, thời cắp sách tới trường, cùng tình cảm gia đình, bạn bè và cả những rung động đầu đời ngây ngô. Một trong những câu chuyện sáng trong như thế là “Chú bé rắc rối”.
“Không biết các bạn như thế nào, chứ tôi thì tôi chưa từng lo cho ai bao giờ. Tôi lo cho chính tôi còn chưa xong nữa là.” Mở đầu truyện nhân vật chính tâm sự như vậy, nghe đã thấy “rắc rối”.
“Chú bé rắc rối” là một câu chuyện hay kể về tuổi học trò, rất dễ thương và có hậu, không buồn và nhiều nước mắt như “Còn chút gì để nhớ” hay “Mắt biếc”. Câu chuyện về An và Nghi – đôi bạn cùng tiến nhưng rốt cục thì giống “cùng chơi” hơn là “cùng học”.
Truyện có những tình tiết, đan xen nối tiếp nhau rất hấp dẫn. Truyện lên cao trào khi sự thật về anh Dự được phát hiện – người anh cả của An. Cuối cùng là một cái kết trọn vẹn khi người anh thứ hai đi tình nguyện thanh niên xung phong của An – anh Vĩnh – được nêu gương “người tốt việc tốt”.
Ngoài ý nghĩa chính là đề cao tình bạn trong sáng giữa An và Nghi, truyện còn muốn nhắn nhủ đôi điều cho những ai vẫn còn đang ở lứa tuổi học trò: “Cái vốn quí nhất của con người là sự hiểu biết, chứ không phải tiền bạc.”
Một cuốn truyện khá mỏng, chỉ đọc liền mạch tầm hai tiếng là xong nhưng những tình huống hài hước và ý nghĩa của câu truyện chắc chắn sẽ tạo ấn tượng với bạn. Vậy còn chần chờ gì nữa, hãy cùng tôi bước vào thế giới của Nguyễn Nhật Ánh và bắt đầu với truyện dài: “Chú bé rắc rối”.